Các bạn làm giáo viên hay làm quản lý nên đọc và chia sẻ bài này
Hồi đó có lần thầy giáo phát bài kiểm tra cho cả lớp, rồi hỏi ai là người xứng đáng với số điểm mình cầm trên tay, tức là thực điểm không quay bài. Thầy cho rằng việc ăn cắp điểm số và lừa gạt giáo viên để có điểm đẹp là việc đáng hổ thẹn, nhưng không nói ra, chỉ nói là thấy đánh giá cao các bạn trung thực. Các bạn này trước sau gì cũng thành đạt, sống cuộc đời có ý nghĩa vì không trái lương tâm. Lần đầu, chỉ có Tony và 1 bạn nữa giơ tay. Nhưng thấy thầy cũng không đá động gì các bạn khác không giơ tay, coi như không đếm xỉa, chỉ sửa bài Tony và bạn kia, nói sai chỗ này chỗ kia. Có bạn không giơ tay lên nói thầy sửa giùm em đi, thầy nói “ tui đâu có khả năng sửa sách giáo khoa”. Lần kiểm tra sau, thầy lại hỏi và lần này có tới 5 bạn giơ tay. Sau đó đâu lần thứ 10 thì gần cả lớp đồng giơ tay. Và đứa quay bài cuối cùng thấy lẻ loi, thấy kỳ dị quá nên cũng từ bỏ thói quen thấp hèn ấy. Sau này, lớp Tony đều thành đạt vì ai cũng là người văn minh, đẳng cấp.
Sau này Tony đi làm, có một công ty cũng áp dụng hình thức này. Cứ cuối tháng phát lương, nhân viên sẽ ký vô bảng “ xứng đáng hay không xứng đáng”, trong 1 cái gọi là tự nhận xét bản thân. Chẳng hạn ai không vi phạm đi trễ về sớm, làm việc riêng trong lúc làm việc, không vi phạm quy định của công ty, thì đánh dấu vào ô tôi xứng đáng. Quyền lợi, lương thưởng đầy đủ thì nghĩa vụ cũng phải rõ ràng. Còn ai không dám ký vào thì công ty cũng bỏ qua. Nhưng số lượng người đánh dấu vào đó tăng lên qua từng tháng, vì sâu thẳm trong mỗi người đó là lòng tự trọng, quyền được tôn trọng. Vì công ty sẽ dán thông tin này trên bảng thông tin, scan và email đến tất cả mọi nhân viên với lời khen của ông sếp về các bạn đã tự tin xác nhận mình làm đúng.
Cũng có nhiều nhân viên của văn hóa cũ bức xúc. Nhưng ông sếp vẫn kiên quyết, ai tự tin thì ký vào đó, tôi không ăn cắp, tôi không nói dối, mình như thế nào thì nói như thế việc gì phải sợ, phải ngại? Còn các bạn khác thì thôi, ổng bỏ qua, coi như không thèm đếm xỉa. Dần dần, số lượng người ký xác nhận “tôi tử tế” tăng lên, và hầu như cả công ty ai cũng ký, cầm tiền lương trên tay và lòng đầy hoan hỉ, hạnh phúc, thấy mình có giá trị thật sự. Một số người ăn cắp, nói dối, hoặc vô kỷ luật sẽ phải thay đổi, hoặc xin nghỉ việc vì cảm thấy quá lẻ loi, 1 cái xấu quá lẻ loi trong một tập thể tốt.
Bạn là giáo viên hay lãnh đạo doanh nghiệp, nhóm trưởng, quản lý, bạn có dám thử nghiệm hình thức này không? Tại sao không?
Nguồn: www.facebook.com/TonyBuoiSang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét