Trong công việc, không có việc gì là việc nhỏ. Mọi việc đều đáng để ta làm, học hỏi. Cho dù đó là công việc bình thường nhất, ta cũng không thể làm qua loa cho xong chuyện hay xem thường và biếng nhác. Ẩn giấu đằng sau những công việc tầm thường rất có thể là những cơ hội vô cùng đặc biệt.
Không có việc nào là việc nhỏ
Một trong những lý do khiến những người khởi đầu tại cùng một vạch xuất phát, cùng làm những công việc bình thường nhỏ bé như ta dần được thăng tiến lên những vị trí cao hơn là bởi họ chưa bao giờ xem những việc mình làm là bình thường, vặt vãnh. Trái lại, họ luôn nhớ rằng: việc lớn được gộp thành từ vô số việc nhỏ.
Trên thực tế không có công việc gì tầm thường, nhỏ bé. Nhiều người không muốn làm những việc cụ thể, không nhìn nhận công việc bình thường, nhỏ bé một cách nghiêm túc mà cứ nghĩ rằng: “Ông trời sẽ để ta lo việc lớn”. Họ đâu hay rằng làm tốt những công việc bình thường chẳng hề dễ dàng chút nào.
Lúc mới khởi nghiệp, Tom Brand chỉ là nhân viên tạp vụ trong một xưởng chế tạo của Công ty xe hơi Ford của Mỹ. Chính nhờ làm tốt những công việc bình thường này, anh đã trưởng thành và cuối cùng trở thành người thợ trẻ lành nghề nhất trong số những trưởng kíp thợ của Công ty xe hơi Ford.
Tom vào làm trong xưởng từ năm 20 tuổi. Ngay từ lúc mới bắt đầu, Tom đã tìm hiểu rất kỹ về tình hình sản xuất của xưởng. Anh biết để có được một chiếc xe hơi hoàn chỉnh, mọi bộ phận linh kiện xe rời rạc ban đầu cần phải trải qua các công đoạn lắp ráp khác nhau ở 13 bộ phận với những công việc đặc thù riêng.
Khi đó, Tom đã nghĩ: Nếu quyết định theo nghề chế tạo xe hơi suốt đời, mình cần phải nắm được toàn bộ quy trình lắp ráp chế tạo. Vậy nên, anh đã chủ động đề nghị được vào làm ở vị trí nhân viên thấp nhất trong nhà xưởng: nhân viên tạp vụ.
Sau nửa năm làm nhân viên tạp vụ, Tom xin chuyển đến làm việc ở bộ phận đệm ghế xe hơi và nhanh chóng nắm vững kỹ năng cũng như kiến thức của công việc này. Tiếp đó, Tom xin chuyển đến làm ở các bộ phận hàn điểm, thân xe, phun sơn rồi sang bộ phận tiện. Chưa đầy 5 năm, Tom gần như đã làm qua mọi công việc ở mọi bộ phận trong nhà xưởng. Cuối cùng, Tom quyết định xin chuyển đến làm ở bộ phận dây chuyền lắp ráp.
Khi chắc chắn mình đã có đủ tố chất của người làm công tác quản lý, Tom quyết định thể hiện toàn bộ tài năng, anh đã chứng tỏ được khả năng của bản thân ở bộ phận dây chuyền lắp ráp. Nhờ từng làm việc qua các bộ phận, Tom không chỉ nắm được cách chế tạo từng loại linh kiện mà còn biết cái nào đạt chất lượng, cái nào chưa. Kiến thức quý giá đó giúp anh rất nhiều trong lúc làm việc ở bộ phận dây chuyền lắp ráp. Chẳng mấy chốc, Tom đã trở thành nhân viên xuất sắc nhất ở đây. Anh nhanh chóng được thăng chức lên làm trưởng kíp thợ, rồi dần dà trở thành người đứng đầu các trưởng kíp thợ. Nếu mọi việc thuận lợi, Tom sẽ được thăng chức lên làm giám đốc trong một hai năm tới.
Cơ hội lớn đến từ những việc nhỏ
Trong công việc, không việc gì tầm thường, nhỏ bé đến mức có thể bị gạt bỏ; không chi tiết nào vụn vặt đến mức có thể được phép bỏ qua. Cùng làm các công việc bình thường, nhỏ bé song sự thể hiện và thành tích mỗi người gặt hái được lại không hề giống nhau. Người xem nhẹ việc nhỏ thường là người tiêu cực, chỉ làm việc cho qua thời gian; còn người tích cực làm việc lại luôn chuyên tâm với công việc, xem đây là cơ hội rèn luyện bản thân, tìm hiểu sâu hơn về cách làm việc của công ty, củng cố bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, làm quen với công việc, đồng thời tận dụng cơ hội làm việc vặt để trải nghiệm, phát triển năng lực tư duy và năng lực phán đoán của bản thân.
Việc lớn được hợp thành từ vô số việc nhỏ, người xem nhẹ việc nhỏ khó có thể làm được việc lớn. Thái độ khi làm những việc nhỏ là chiếc gương phản chiếu cho ta thấy các tố chất tổng hợp, đặc điểm khác biệt của mỗi cá nhân. “Thấy ít hiểu nhiều”, “thấy rừng chứ không chỉ từng cái cây”, hãy chinh phục sự tín nhiệm, công nhận của mọi người bắt đầu từ việc nhỏ, rồi bạn sẽ có cơ hội làm việc lớn.
Vậy nên, dù bạn đang trong giai đoạn thử việc hay công việc bạn làm chỉ là việc vặt, hãy đặt toàn bộ tâm trí vào đó, hoàn thành thật tốt công việc, như vậy bạn sẽ trưởng thành và giành được cơ hội tăng lương, thăng chức. Nếu một nhân viên bán hàng muốn trở thành giám đốc nghiệp vụ thì trước hết anh ta cần hoàn thành thật tốt công việc của mình trong vai trò là một nhân viên bán hàng, đạt được những thành tích xuất sắc nhất.
Trong công việc, không có việc gì là việc nhỏ. Mọi việc đều đáng để ta làm, học hỏi. Cho dù đó là công việc bình thường nhất, ta cũng không thể làm qua loa cho xong chuyện hay xem thường và biếng nhác. Trái lại, ta cần làm việc một cách hăng hái, nhiệt tình. Hãy để ý xem làm cách nào ta mới có thể làm việc hiệu quả và chất lượng nhất, rồi toàn tâm toàn ý, nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, tạo cho mình thói quen làm việc tích cực.
Một trong những lý do khiến những người khởi đầu tại cùng một vạch xuất phát, cùng làm những công việc bình thường nhỏ bé như ta dần được thăng tiến lên những vị trí cao hơn là bởi họ chưa bao giờ xem những việc mình làm là bình thường, vặt vãnh. Trái lại, họ luôn nhớ rằng: việc lớn được gộp thành từ vô số việc nhỏ.
Trích “Bạn đang làm việc cho ai?”
Nguồn hoclamgiau.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét